Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 sẽ do thị trường quyết định

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, năm 2017 chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo do Sở thực hiện sẽ đi theo định hướng thị trường...

Sáng 23/02, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức Lễ công bố giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo năm 2017.

Chương trình có sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn, đại diện các phòng ban Quận huyện và thành phố.

 

Doanh nghiệp và đơn vị tư vấn “tìm hiểu” nhau trước

 

Cách làm của Sở KH&CN TP.HCM trước đây là đấu thầu các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Sau đó, Sở sẽ tiến hành tìm kiếm tổ chức tư vấn và mời các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia.

 

Song theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - cách làm này không mang lại sức bật mạnh mẽ vì nhu cầu doanh nghiệp đa dạng, các cơ quan quản lý nhà nước khó lòng nắm bắt hết.

 

Do đó, trong năm 2017, chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo do Sở KH&CN TP.HCM thực hiện sẽ đi theo định hướng thị trường. Sở KH&CN TP.HCM sẽ không tuyển chọn nhà tư vấn, không tuyển chọn doanh nghiệp mà để thị trường tự quyết định.

 

“Các tổ chức tư vấn phải tự tìm hiểu thị trường, khách hàng tiềm năng mà mình hướng đến. Doanh nghiệp cũng sẽ tìm kiếm đến những đơn vị tư vấn có chất lượng nghiệp. Sau khi đơn vị tư vấn và doanh nghiệp đạt được thỏa thuận, Sở KH&CN TP.HCM sẽ tiếp nhận đề xuất thực hiện nhiệm vụ, ký hợp đồng giao nhiệm vụ cho tổ chức tư vấn”, ông Dũng nói.

 

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 sẽ do thị trường quyết định - 1

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM giải đáp những thắc mắc của đại diện các doanh nghiệp tại Hội thảo. Ảnh: Thế An.

 

Cũng theo ông Dũng, mục tiêu của cách làm này là để hoạt động hỗ trợ được thiết thực. Các tổ chức tư vấn năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp có thể tự tìm đến nhau. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò thẩm định báo cáo về các hoạt động huấn luyện, đào tạo của các đơn vị tư vấn, từ đó đưa ra mức hỗ trợ tài chính hợp lý nhất.

 

Bà Huỳnh Thị Thanh Giang, Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM khẳng định, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 sẽ thực hiện theo phương châm "4T": Thực hiện theo nhu cầu thị tường - Tính đa dạng nội dung - Thời gian thực hiện linh hoạt - Thu hút đa dạng nguồn lực tham gia.

 

Vẫn còn trăn trở

 

Tiếp nhận những thông tin từ ban tổ chức, phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn bày tỏ sự đồng tình với cách thực hiện của Sở KH&CN TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp, tổ chức tư vấn vướng mắc, trăn trở.

 

Đại diện một đơn vị tư vấn đào tạo của Singapore cho rằng, với tính thiết thực của chương trình, đơn vị tư vấn sẵn sàng đưa mức kinh phí đối ứng 60-70% với Sở KH&CN TP.HCM. “Tuy nhiên chúng tôi muốn biết sau khi hồ sơ được đưa lên thì thời gian xét duyệt hỗ trợ là bao lâu” - vị đại diện hỏi.

 

Trả lời thắc mắc trên, ông Đỗ Nam Trung - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường Công nghệ cho biết, Sở KH&CN TP.HCM sẽ thành lập một tổ công tác thẩm định nội dung đào tạo, kinh phí thực hiện của đơn vị tư vấn. Tổ công tác này sẽ giúp đơn vị hoàn thiện hồ sơ, sau đó Sở sẽ ký hợp đồng triển khai.

 

“Thời gian xét duyệt hồ sơ sẽ tùy thuộc vào quy mô chương trình đào tạo, kinh phí và độ phức tạp của kế hoạch của đơn vị tư vấn”, ông Trung cho biết.

 

Tiếp tục tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thắng đến từ Công ty SJS cho rằng, một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia đã áp dụng nhiều công cụ năng suất chất lượng, quản trị, quản lý và có Giải hưởng chất lượng quốc gia thực hiện rất hiệu quả. Việt Nam cũng nên học hỏi những mô hình hiệu quả từ nước ngoài.

 

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 sẽ do thị trường quyết định - 2

Đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn rất quan tâm và có nhiều chia sẻ thẳng thắn tại sự kiện. Ảnh: Hà Thế An.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho rằng, các tổ chức tư vấn có mô hình áp dụng từ nước ngoài, đều có thể tham gia và chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, quan trọng là ý kiến của doanh nghiệp khi tham gia thế nào, khi áp dụng mô hình vào thực tiễn có giá trị mang lại giá trị thiết thực không?

 

“Từ những thực tế đó, chúng tôi sẽ tổng kết đúc kết kinh nghiệm để thị trường tham khảo về những mô hình trên”- ông Dũng nói.

 

Đề câp đến thời hạn hỗ trợ, ông Nguyễn Đào Duy Tài - Trưởng phòng tư vấn và đào tạo, Công ty Trí Tân đề xuất, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần mở rộng, không phải tính theo năm mà tính theo dự án.

 

“Hôm nay công bố chương trình hỗ trợ, chúng tôi phải mất thời gian không ít để hoàn thiện hồ sơ. Tính sơ sơ, trong 6 tháng chúng tôi rất hạn chế trong việc giúp doanh nghiệp đạt chứng nhận ISO”, ông Tài phân trần.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, Sở đã tính toán đến câu chuyện này. Song, quy định của Nhà nước là ngân sách năm nào quyết toán năm đó. Chỉ có đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học mới được kéo dài qua năm khác.

 

“Các đơn vị tư vấn có thể giải quyết được khó khăn này bằng cách chia nhỏ chương trình huấn luyện doanh nghiệp thành nhiều hợp phần. Mỗi hợp phần sẽ chốt lại nhiệm vụ để quyết toán trong năm. Sang năm khác, các đơn vị tiếp tục làm hợp phần khác sẽ không gặp khó khăn gì lớn”, ông Dũng gợi ý.

 

Ông Dũng cũng khuyến nghị, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chỉ mang tính chất hỗ trợ, không phải bao cấp toàn bộ. Điều cốt lõi là ở doanh nghiệp, đơn vị tư vấn có bỏ vốn đối ứng để cam kết, quyết tâm thực hiện hay không.

 

 

Theo khampha.vn

 

 

 

 

 

Liên kết hữu ích